Thời cổ đại Lịch_sử_Beograd

Trước thời La Mã

Địa bàn bộ lạc Scordisci với Singidun là trung tâm (Thế kỷ 3-1 TCN)

Các bộ lạc Balkan cổ của người Thracia và người Daci là chủ nhân khu vực này trước khi bị La Mã xâm chiếm.[11] Beograd trước kia là đất của bộ lạc Singi.[1] Sau cuộc xâm lược của người Celt vào bán đảo Balkan năm 279 TCN, bộ tộc Scordisci chiếm cứ khu vực này đặt tên là Singidun ("dun" nghĩa là đồn lũy).[12]

Hầu như không có dấu tích nào của người Celt còn lưu lại, ngoại trừ một số công cụ, vật dụng cũng không còn nguyên vẹn được khai quật tại một số địa điểm ở Karaburma và Rospi, được xác định thuộc về các chiến binh Scordisci. Chỉ còn yếu tố tinh thần Celt đã ăn vào đời sống văn hóa nơi đây, một phần chuyển đổi và pha trộn với các yếu tố văn hóa La Mã cổ đại về sau.

Thời La Mã cai trị

Tiền xu hình hoàng đế Jovianus dùng tại Singidunum

Vào năm 34-33 TCN, Silanus dẫn các quân đoàn La Mã đến Singidun. Người La Mã bắt đầu chinh phục các vùng phụ cận Singidun vào thế kỷ 1 SCN. Gaius "Quintus" Scribonius Curio, tổng đốc Macedonia đã dẫn quân xâm nhập sâu vào bán đảo Balkan đến tận sông Danube, cố gắng quét sạch Scordisci, Dardani, Daci và các bộ lạc khác. Tuy giành được thắng lợi, quân La Mã chỉ đồn trú lại một thời gian ngắn, rồi rút đi mà không để lại hệ thống cầm quyền. Do đó, có rất ít thông tin về các sự kiện này cũng như khi vùng đất này thuộc về đơn vị hành chính tỉnh Moesia. Khu vực bất ổn cho đến triều đại Augustus, Marcus Licinius Crassus và tổng đốc Macedonia đã ổn định được tình hình vào năm 29 TCN. Moesia chính thức trở thành một tỉnh La Mã trước năm thứ 6 SCN, khi tổng đốc Aulus Caecina Severus được lần đầu tiên nhắc tới. Theo đó, tên khu vực này cũng được La Mã hóa thành Singidunum. Singidunum là một trong những khu định cư chính của tỉnh Moesia, nằm giữa Sirmium (Sremska Mitrovica) và Viminacium (Kostolac). Bên cạnh đó là Taurunum (Zemun) giữ vị trí chiến lược trên biên thành La Mã kết nối các đồn lũy với các thành dọc theo sông Danube.

Tàn tích thành cổ La Mã ở Singidunum (vách thành ở bên và tháp ở giữa)

Singidunum cực thịnh vào năm 86 với sự hiện diện của quân đoàn IV Flavia Felix. Quân đoàn gồm khoảng 6.000 binh sĩ này là đội quân quan trọng nhất để chống lại mối đe dọa của người Dacia trên sông Danube. Quân đoàn đã dựng một đồn lũy phòng thủ tại vị trí Phố Trên ở Kalemegdan ngày nay. Đồn đầu tiên được đắp bằng đất, về sau gia cố thêm bằng đá, tàn tích còn lại ở đoạn cuối đông bắc của Phố Trên. Một cây cầu bắc qua sông Sava nối liền Singidunum và Taurunum. Bước tiếp theo là tập trung dân cư binh lính dưới sự bảo vệ phía trong đồn lũy. Mạng lưới đường phố bắt đầu xuất hiện với các giao lộ tập trung phía hữu thành. Di sản hệ thống này vẫn còn ở Beograd ngày nay quanh đường Uzun Mirkova, Obilićev Venac, Cara Dusan và đường Vua Petra I. Những năm 1970 phát hiện được một số dấu vết nhà tắm công cộng gắn với Công trường La Mã ngay tại Quảng trường Sinh viên ngày nay. Xung quanh Beograd ngày nay vẫn tìm được những di tích khác của văn hóa La Mã như lăng mộ, tượng đài, điêu khắc, đồ gốm hay tiền xu. Hoàng đế Hadrianus đã nâng tầm Singidunum lên vị thế một thành thị cổ vào nửa đầu thế kỷ thứ 2. Singidunum tiếp tục phát triển sau đó để trở thành một thuộc địa La Mã đúng nghĩa. Hoàng đế Jovianus, người tái lập Kitô giáo thành quốc giáo của Đế chế La Mã, được sinh ra ở Singidunum vào năm 332. Singidunum và tỉnh Moesia trở nên thịnh vượng trong thời bình, nhưng giai đoạn này không kéo dài vì căng thẳng gia tăng cả trong và ngoài đế chế.

Đồng Antoninianus dưới thời Carausius. Một mặt đồng xu là biểu tượng sư tử của Quân đoàn IV Flavia Felix.

Đế chế La Mã bắt đầu suy tàn vào cuối thế kỷ thứ 3. Tỉnh Dacia, vốn được hoàng đế Traianus lập nên sau nhiều chiến dịch dài thắng lợi, bắt đầu suy sụp khi rợ Goth xâm lược vào năm 256. Khi các bộ tộc rợ nhanh chóng chiếm một loạt các tỉnh gây thiệt hại lớn, hoàng đế Aurelianus buộc phải di tản Dacia năm 270. Singidunum một lần nữa ở bờ vực tàn lụi chung với đế chế.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_Beograd http://www.belgradenet.com/belgrade_history.html http://www.belgradewaterfront.com/en/project-phase... http://www.beligrad.com/history.htm http://www.historynet.com/magazines/military_histo... http://www.timetravelturtle.com/2013/07/ruined-bui... http://www.vreme.com/arhiva_html/450/2.html http://www.mek.oszk.hu/02000/02085/02085.htm http://www.znaci.net/00001/4_14_1_6.htm //doi.org/10.2298%2FSTA0858009S //dx.doi.org/10.1016%2Fj.jas.2010.06.012